Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Nguy cơ biển xâm thực

Nguy cơ biển xâm thực
Cập nhật lúc 07:41, Thứ Sáu, 06/12/2013 (GMT+7)
Bão số 11 đổ bộ vào Đà Nẵng tàn phá hàng nghìn mét kè biển, xâm thực hàng trăm mét bờ biển. Sau năm 1971 đến nay, người dân khu vực vịnh Thọ Quang mới chứng kiến cảnh sóng ngoạm bờ khủng khiếp đến thế. Nguy cơ biển xâm thực hiện hữu từng ngày. Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này là vấn đề cấp thiết.
 

Đoạn kè trên đường Hoàng Sa bị đánh sập trong bão số 11 vừa qua.
Đoạn kè trên đường Hoàng Sa bị đánh sập trong bão số 11 vừa qua.
“Sóng 3-4m dâng cao, tràn qua đường (Hoàng Sa), đổ vào nhà các hộ dân sống ven đường, ngập sâu 1m. Liên tục như thế nhiều giờ liền làm chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh sóng thần, chẳng khác gì nước lụt dâng. Đá, đất, rác thải và mọi thứ nằm trên đường tràn (đi) của sóng cứ thế tấp vào nơi chúng bị cản lại. Có cục đá nặng gần 1 tạ lăn nhẹ nhàng từ bờ biển qua đường rồi vào hàng rào thép gai như người ta thổi bay quả bong bóng hơi vậy. Thật khủng khiếp!”, ông Nguyễn Yên (63 tuổi, trú tổ 16 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết.
“Nhìn cái gốc cây dừa, sóng biển “cạo” sạch sẽ từ dấu đất phủ gốc trước bão và phần gốc nằm dưới đất hiện tại dài độ gần 1m thì biết sóng đã san nền bờ biển thấp xuống bao nhiêu. Chỉ có cơn bão cách đây hơn 40 năm mới khủng khiếp tương tự, chứ bão số 6 năm 2006 cũng không ăn thua”, ông Lê Đình Tảo - “thổ địa” khu vực này - góp thêm câu chuyện.
Theo cách tính của những lão ngư này, sau cơn bão vừa qua, sóng biển xâm thực vào bờ dài độ 5 lớp nhà (khoảng 200m bờ biển - PV). Nếu xảy ra 2 - 3 cơn bão tương tự thì không ai bảo đảm đường Hoàng Sa còn nguyên vẹn. “Ngày trước, chỗ tôi đang ngồi đây là nền móng nhà, sau quá trình biển xâm thực, chúng tôi lùi dần vào bờ. Bây giờ Nhà nước làm kè chắn sóng, người dân đỡ lo hơn, nhưng cứ tình trạng như cơn bão vừa qua thì cũng chưa thực sự yên tâm. Lịch sử và thời gian chứng minh điều đó, chứ chẳng phải chúng tôi nói không đâu. Làm kè phải chắc chắn, đủ độ sâu nền móng, độ cao để chắn sóng, chứ đổ hàng tỷ đồng ra làm rồi bão vào đánh tan, thiệt hại cuối cùng vẫn là tiền nhân dân cả thôi”, ông Tảo nói.
Trong cơn bão số 11 vừa qua, phần bờ biển thiệt hại nặng nhất vẫn là khu vực vịnh Thọ Quang. Đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết, có khoảng 100m bờ kè ở khu vực Thọ Quang bị đánh sập, khoảng 2.000 cây phi lao bị hư hại. Trong khi đó, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết bão số 11 vừa qua làm hư hỏng 3km/7km kè biển Đà Nẵng, chủ yếu khu vực vịnh Thọ Quang (quận Sơn Trà) và khu vực Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), cùng với 15ha rừng phòng hộ ven biển hư hại (cây phi lao), khu vực biển ven đường Hoàng Sa - Trường Sa, bãi biển bị xâm thực khoảng 100m.
Ông Nguyễn Phạm Nguyên, cán bộ Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng nói: “Nguyên nhân thiệt hại cũng như tổng giá trị thiệt hại bao nhiêu, chúng tôi đang kiến nghị lên UBND thành phố để phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, tìm hướng khắc phục. Thiết kế và xây dựng các đoạn kè ven biển cơ bản đúng, bảo đảm kỹ thuật, thông số công trình, nhưng do vỉa hè đường Hoàng Sa chưa hoàn thiện, sóng dâng cao, cào đi cào lại nhiều lần đã đánh sục mất phần gốc móng bờ kè, dẫn đến bị sụp”.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết thêm, nguy cơ biển xâm thực đe dọa an toàn tuyến đường ven biển và người dân sống ven biển. Bên cạnh đó, ở khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, phần sóng đánh sập kè và biển xâm thực đe dọa tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy sát mé biển. “Sẽ phải xây kè và lấn biển mở rộng bờ cát trở lại để bảo đảm an toàn cho các tuyến đường ven biển cũng như dân cư sinh sống, các công trình giao thông và dân sinh khác. Tuy nhiên, đây không thể là giải pháp ngày một ngày hai có thể thực hiện được, phải có quá trình cũng như bảo đảm nguồn vốn đầu tư lớn”.
Nguyên nhân biển xâm thực, sóng đánh sập kè ven biển phần nào được lý giải. Giải pháp trước mắt (trồng phi lao) và lâu dài (làm kè kiên cố và lấn biển trở lại) đã định hình, nhưng chưa biết bao giờ triển khai. Tính cấp thiết của công trình này xem chừng đã như nước đến chân.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY

 Đã nẵng Công an ,Bộ đội ,ra giúp dân khắc phục hậu quả bão số 11 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét