Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Làm gì khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi?

Làm gì khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi?


Cập nhật: 5h27' ngày 28/02/2014

 Bị CSGT tuýt còi là điều không tài xế nào mong muốn. Nhưng nếu nó xảy ra, bạn cần phải làm gì?
Làm gì khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi?
Ảnh minh họa.
Bước 1. CSGT ra hiệu lệnh dừng xe vi phạm
CSGT là những người mặc quần, áo màu vàng lúa chín, đeo thẻ xanh, trên thẻ ghi số hiệu, cấp hiệu theo quy định, đội mũ kêpi có vành màu đỏ hoặc mũ bảo hiểm cùng màu với quần áo, phía trước mũ gắn Công an hiệu, hai bên mũ có chữ “CSGT” màu xanh phản quang (sử dụng khi tuần tra, kiểm soát bằng xe mô tô), có dây lưng và dây chéo bằng da màu nâu, giầy da màu đen.



Theo điều 13, chương V, TT 65/2012/TT-BCA, khi bạn vi phạm lỗi, CSGT sẽ ra hiệu lệnh dừng xe bằng tay, gậy chỉ huy giao thông, còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra, bằng đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn.
Lúc này bạn nên bình tĩnh, giảm tốc độ từ từ và quan sát phía trước, hai bên và phía sau xe. Bật đèn dừng khẩn cấp (với xe ô tô). Cho xe dừng vào khu vực CSGT chỉ dẫn, dừng xe vào vị trí an toàn.
Bước 2: Chào hỏi
CSGT luôn phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực. Vì thế họ thực hiện chào bạn theo đúng hiệu lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp bạn có dấu hiệu tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa...).
Đây là thủ tục bắt buộc đối với CSGT khi bắt đầu làm việc với nhân dân, được quy định rõ tại Khoản 1 điều 10 Thông tư số 60/2009/TT-BCA ngày 29/10/2009 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông đường bộ.
Sau khi CSGT chào bạn, bạn cũng nên chào lại và chú ý dùng đại từ nhân xưng cho phù hợp.
Bước 3: Kiểm tra, kiểm soát giấy tờ
Sau khi thực hiện hiệu lệnh chào CSGT sẽ nói: “Yêu cầu ông (bà, anh, chị...) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện”.
Trong trường hợp CSGT thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phải nói lời: “Xin lỗi ông (bà, anh, chị...) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ liên quan và kiểm soát phương tiện”
Việc thực hiện kiểm tra này được ghi tại điều 16, chương V, thông tư 65/2012/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 22/12/2012.
Bước 4: Thông báo lỗi
CSGT sẽ thông báo bạn đã vi phạm an toàn giao thông đường bộ. Họ sẽ chỉ rõ cho bạn đã vi phạm lỗi như thế nào. Trong lúc này, nếu bạn chưa nhận diện được lỗi của mình thì bạn có thể yêu cầu được xem hình ảnh thu được về hành vi vi phạm.
CSGT sẽ cho bạn xem ngay nếu đã có hình ảnh thu được tại đó. Nếu chưa có thì bạn sẽ được hướng dẫn đến bộ phận xử lý để xem.
Bạn hoàn toàn có quyền được xem chứng cứ về lỗi vi phạm của bạn. Điều này được quy định rõ tại mục a, khoản 2, điều 16, chương V tại thông tư 65/2012/TT-BCA.
Bước 5: Lập biên bản vi phạm
Theo điều 17, chương V, thông tư 65/2012/TT-BCA, việc lập biên bản vi phạm chỉ được thực hiện sau khi bạn đã nghe CSGT thông báo cho bạn biết rõ về lỗi vi phạm. Khi lỗi vi phạm mà CSGT đưa ra là đúng thì bạn hãy nhận lỗi.
Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất hai bản, một bản giao cho người vi phạm, một bản CSGT giữ lại dùng cho việc ra quyết định xử phạt và lưu hồ sơ. Biên bản được ban hành theo đúng mẫu đã quy định, có dấu đỏ, có số thứ tự. Lỗi của bạn sẽ được ghi rất rõ ràng theo điều, khoản mục nào trong luật giao thông đường bộ hay các văn bản hướng dẫn dướiluật .
Sau khi biên bản được lập, bạn cần đối chiếu xem nội dung có đúng với lỗi đã vi phạm hay chưa. Nếu chưa đúng thì bạn có thể yêu cầu CSGT sửa lại và họ sẽ ký tên trước khi đưa cho bạn ký.
Ngoài ra, nếu bạn có ý kiến gì thì bạn có thể ghi ở mục ý kiến của người vi phạm trước khi bạn ký tên.
Sau khi biên bản được lập vì lý do nào đó mà bạn từ chối ký, thì lúc này CSGT sẽ ghi rõ lý do vào biên bản.
Nếu như CSGT xử phạt "nhầm" đối với bạn thì có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Mục đ, điều 13 tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật số 15/2012/QH13 quy định rất rõ việc này.
Còn trong trường hợp, bạn bị CSGT tuýt còi nhưng không phát hiện vi phạm thì CSGT phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,...) đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ”.
Cũng có những lỗi CSGT có thể sẽ không phạt mà chỉ nhắc nhở bạn như: đè vạch, vượt phải, vượt tại đoạn đường con, vượt đèn đỏ mấy giây, xi-nhan hoặc khi bạn chạy vượt quá tốc độ cho phép dưới 5km..
Nếu có điều gì thắc mắc, bạn có thể gọi điện đến đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc về tình hình trật tự ATGT.
Số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ - Đường sắt:  069.42608
Vài lời khuyên nhỏ: Không phải cứ CSGT tuýt còi thì chắc chắn mình bị phạt. Luôn nắm rõ luật, điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Chúng ta có thói quen khi CSGT hỏi giấy tờ thì cứ đưa mà mặc nhiên không biết rằng mình có quyền giải thích, chứng minh mình không vi phạm luật giao thông. Và khi đã chứng minh được thì không có nghĩa vụ phải xuất trình giấy tờ xe.
Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Nói cách khác, chỉ phải xuất trình giấy tờ nếu CSGT đã chứng minh rõ ràng là người đi đường phạm lỗi gì đó cụ thể.
Khi CSGT chặn xe bạn vì lỗi vượt quá tốc độ tối đa, trong khi bạn chắc chắn rằng mình không hề vượt quá, bạn có quyền yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được và cảnh sát có nghĩa vụ phải cho xem.
Nếu CSGT không đưa ra được bằng chứng chứng minh bạn vượt quá tốc độ cho phép thì không được phép lập biên bản và cũng không được phép kiểm tra giấy tờ bạn.
Các trường hợp được dừng phương tiện
1. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
b) Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
c) Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
d) Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
đ) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
2. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật;
b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Otofun/ ĐSPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét