Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

CẦN LÀM SÁNG TỎ, NHỮNG SAI PHẠM, BÁO CÁO SAI VỚI CẤP TRÊN?

CẦN LÀM SÁNG TỎ, NHỮNG SAI PHẠM, BÁO CÁO SAI VỚI CẤP TRÊN?

Gần 10 năm, đã 568 lượt đơn (kêu cứu, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...) qua đường Bưu điện mà 06 hộ gia đình tại Hạt giao thông, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội gửi đến các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước từ năm 2005 đến nay để “mong ra tay cứu giúp”, nhưng sự việc dường như dậm chân tại chỗ và có nguy cơ bị mất đất” bất cứ lúc nào?


   Đó là câu chuyện xảy ra cách đây đã gần 10 năm, tại Thửa đất số: 18; Tờ Bản đồ số: 126, mang tên Hạt giao thông đường bộ, trên địa bàn xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Trước mắt chúng tôi là khuôn viên khu đất với diện tích 1.692m2 đất vuông vắn cây cối rậm rạp xanh tốt, nhưng chỉ tiếc nhà cửa tại đây thì tan hoang, xơ xác, được biết khu đất này là đất “cấm” xây dựng, kể cả việc “lợp lại mái nhà” sau khi bị thiên tai gây ra. Do đó, nó không giống với một khu dân cư ven đô chỉ cách Trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 10 km đường chim bay.
Mặt tiền khu đất rộng khoảng hơn 30mét bám liền với con đường nhựa thoáng rộng khá có giá trị, nên thửa đất này đã không ít các đối tượng nhòm ngó.


Thời cuộc suy ngẫm Luật rừng

          Được biết, khu đất này trước kia khuất nẻo, nằm giữa cánh đồng hoang vắng từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến năm 2003, chỉ sau khi có con đường mới trải nhựa sạch sẽ giá trị tăng cao, thì lập tức có một “thế lực” nào đó nhằm "nuốt gọn" thửa đất này?
Do đó, từ năm 2005 đến nay tại khu đất này đã xảy ra không ít những biến cố làm xáo trộn cuộc sống, chỉ khổ cho người dân nơi đây cả cuộc đời gắn bó tại thửa đất này, đã phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” ngót 10 năm rồi và giờ đây lại phải đối mặt với nguy cơ “bị mất đất” bất cứ lúc nào?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Hạt giao thông Đông Anh thuộc Đoàn bảo dưỡng đường bộ I Hà Nội (đến ngày 13/1/1971 đổi tên thành CÔNG TY SỬA CHỮA CẦU ĐƯỜNG NGOẠI THÀNH theo Quyết định số 58 QĐ/TCCQ của Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội) xin đất hoang hoá của thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ với diện tích 1.692m2 đất, đã trả tiền cho xã Uy Nỗ 1.000đồng từ năm 1965, để làm Hạt duy tu quản lý sửa chữa đường giao thông phục vụ cho chiến tranh và làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên công tác trên địa bàn Đông Anh. Đến năm 1996, thửa đất này đã được kê khai, đăng ký theo Chỉ thị số 245/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/1996, được Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ xác nhận tại Tờ khai sử dụng đất ngày 02/7/1996.

Luật rừng ,không được để ,tái diễn những vi phạm

Ngày 12/2/1971, các bà Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Định và Nguyễn Thị Tin đều là Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước từ năm 1967 - 1971 tại đơn vị N51 - C511 - P17 thủ đô Hà Nội được chuyển ngành vào công tác tại Hạt giao thông thuộc Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành (có trụ sở tại: số 03 phố Hoà Mã, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường trên địa bàn huyện Đông Anh. Tại đây, các bà được ông Đào Văn Kiện là Cung trưởng Cung đường Đông Anh, đồng thời cũng là Tổ trưởng tổ làm đường (là người có quyền hành cao nhất của Công ty này ở tại Đông Anh lúc đó) đã trực tiếp giao nhà ở từ năm 1971 đến nay.

Ngày 21/6/1974, các bà được Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành chính thức cho được tiếp quản hợp pháp tại đây và có Quyết định: "Điều các ông (bà) là Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Hoà và Nguyễn Thị Dung về công tác tại Đội đường 1 huyện Đông Anh" và nhập hộ khẩu thường trú trên thửa đất Hạt giao thông Đông Anh từ năm 1974 đến nay.
Theo tài liệu hiện có, chúng tôi có cơ sở xác định: 06 hộ dân tại Hạt giao thông đều có hộ khẩu thường trú (từ 03 chủ hộ khẩu gốc có tên: Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Tin) tại Hạt giao thông Đông Anh từ ngày 10/4 và 08/10/1974 (tài liệu do Công an huyện Đông Anh xác nhận tại Tập 77 Hạt giao thông Đông Anh ngày 12/11 và 01/12/2010).
Bà Hòa cho biết: Đến năm 1976 (sau chiến tranh) thấy không còn nhu cầu sử dụng nên Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành đã họp toàn Công ty và tuyên bố công khai: “Đồng ý tặng cho các cô: Hoà, Định, Tin (là cán bộ công nhân viên của Công ty) toàn bộ diện tích đất và nhà ở tại đây để toàn quyền sử dụng, làm nơi ở”.
Theo tài liệu hiện có, chúng tôi có cơ sở xác định từ 04 Giấy xác nhận vào các ngày 21, 22 và 27/10/2010 của các ông (bà): Đào Văn Kiện, Phạm Thị Phái, Nguyễn Thị Thú, Lê Thị Chế cùng công tác tại Tổ làm đường Đông Anh thuộc Đội đường 1 của Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành thời ký từ năm 1965 đến năm 1988, đã xác nhận với nội dung: Vào năm 1976 đến năm 1978, Ban lãnh đạo Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành đã tuyên bố công khai trong Hội nghị là: Công ty không sử dụng đất và nhà tại Hạt giao thông Uy Nỗ, Đông Anh nữa vì cách xa các cung đường do Công ty quản lý và không thuận tiện cho việc sửa chữa các tuyến đường, nên Công ty đồng ý cho các cô là: Cô Hòa, cô Định, cô Tin toàn bộ diện tích đất và nhà tại khu Hạt này để các cô làm nơi ở”.  
Đồng thời đối chiếu với Bản đồ hiện trạng do Sở địa chính Hà Nội lập vào các năm 1984 và 1994 có tên: Hạt giao thông đường bộ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh với tổng diện tích 1.628m2 đất (số liệu tại Bản đồ năm 1994) là hoàn toàn phù hợp với tài liệu nêu trên và có cơ sở pháp lý rõ ràng.



Về việc sử dụng đất như trên, chúng tôi có cuộc chao đổi với ông Vũ Quang Thược Trưởng Văn phòng luật sư Ngọc Tâm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Thược cho biết:
Tại Điều 50 Luật đất đai 2003 có hiệu lực từ ngày 01/7/2004 có quy định:
“Đối với các thửa đất mà hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 (kể cả không có giấy tờ) mà không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì đều được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất.”




Còn đối với những thửa đất hợp pháp trước ngày 18/12/1980 mà đã có nghĩa vụ đối với Nhà nước (như trên), thì đáng lẽ phải được Nhà nước cấp giấy chứng nhận ngay sau khi kê khai, đăng ký từ năm 1996 rồi mới đúng. Vì đối với thửa đất này là loại nhà đất được gọi là “tài sản sở hữu hợp pháp” của các cá nhân, tổ chức đã được Nhà nước công nhận, bảo hộ trên cơ sở Hiến pháp 1959 và khi thống nhất quản lý về đất đai ngày 01/7/1980 thì “được Nhà nước bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp trên diện tích đất đã được công nhận” tại Quyết định số 201/CP của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) VỀ VIỆC THỐNG NHẤT RUỘNG ĐẤT VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC” ngày 01/7/1980. Vì tại điểm d Điều 01, Chương III và Điều 2, Chương IV của Quyết định số 201/CP có quy định:
       “1. Mọi tổ chức hay cá nhân sử dụng đất (gọi chung là người sử dụng) có quyền:
 d. Được Nhà nước bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp trên diện tích đất đã được công nhận và được giúp đỡ trong việc bồi dưỡng đất theo khả năng của Nhà nước.
“2. Sau khi kê khai và đăng ký, các tổ chức hay cá nhân nào được xác nhận là người quản lý sử dụng hợp pháp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”

Vào ngày 04/5/2005 một cơn lốc xoáy có kèm theo mưa đá đã giật tốc mái nhà đang ở của gia đình bà Nguyễn Thị Hoà (chồng bà là ông Lê Minh Quế thương binh nặng hạng 4/6w trải qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Trước khi sửa chữa, ngày 08/5/2005 gia đình bà gửi đơn trình UBND xã Uy Nỗ báo cáo về hậu quả do thiên tai và mong lãnh đạo xã tạo điều kiện để gia đình bà sửa chữa lại ngôi nhà để ở. Nhưng, đến ngày 11/5/2005 trong khi gia đình bà đang tự sửa chữa thì UBND xã Uy Nỗ ra Thông báo số 38/TB-UB với nội dung yêu cầu gia đình bà: Phải tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng và di chuyển toàn bộ trang thiết bị - tài sản, nguyên vật liệu đi nơi khác, trả lại mặt bằng ban đầu”. Đến ngày 14/5/2005 xã Uy Nỗ lại tiếp tục ra Quyết định số 44/QĐ-UB, có nội dung:“Hộ gia đình bà Hoà đã có hành vi vi phạm tự động sửa chữa xây dựng công trình trên đất của tập thể; Buộc trả lại hiện trạng ban đầu; Buộc tháo dỡ phần xây dựng mới; Thời gian cưỡng chế từ 15 giờ 00 ngày 16/5/2005”, lấy đó làm cơ sở sai khiến lãnh đạo và một số đối tượng thôn Nghĩa Lại “phá nhà ở” của gia đình bà vào đêm 16/5/2005, trước sự có mặt của Công an huyện Đông Anh và chính quyền xã Uy Nỗ. (Quyết định này của xã Uy Nỗ không cho gia đình bà Hoà được biết và phải hơn 01 năm sau, thông qua Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh thì gia đình bà mới biết có Quyết định trên).
Kỳ lạ thay, chính quyền huyện Đông Anh không những không can thiệp, xử lý, giải quyết. Mà theo đó, lãnh đạo Huyện đã đưa những đối tượng không có liên quan đến Hạt giao thông (lãnh đạo xã Uy Nỗ và thôn Nghĩa Lại) đứng ra báo cáo, lấy đó làm cơ sở ra Thông báo số 99/TB-UB ngày 26/5/2005 có nội dung khẳng định: “Hiện nay Công ty Công trình giao thông 1 đang giao cho một số hộ dân ở để trông coi nhà đất...”, đồng thời lãnh đạo Huyện yêu cầu: “Các hộ ở trông coi nhà đất của Công ty Công trình giao thông 1 phải giữ nguyên hiện trạng công trình.... UBND xã Uy Nỗ có lập biên bản nhưng chưa xử lý cương quyết và triệt để dẫn đến bức xúc trong nhân dân thôn Nghĩa Lại”. Đồng thời: “Yêu cầu Công ty CTGT1 trong tháng 5/2005 báo cáo phương án quản lý, sử dụng khu đất tại thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ để xem xét cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”. Vì kết luận như trên, nên gia đình bà Hòa và các hộ dân tại đây lại phải hứng chịu cảnh hành xử “luật rừng” của một số đối tượng ở thôn Nghĩa Lại, tiếp một lần nữa “phá nhà ở” của gia đình bà (vào đêm 07/6/2005) và dùng vũ lực chiếm đoạt 88,8m2 đất tại Hạt giao thông Đông Anh ngày 09/7/2005.(Vì không được sửa chữa, hiện nay ngôi nhà vẫn để nguyên hiện trạng bị đập phá, gia đình bà đã phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất gần 10 năm qua).
Sau khi các cơ quan thông tin báo chí phản ánh liên tiếp vào các ngày 28, 29/7/2005, dường như sự việc có điều gì bất thường, nên lãnh đạo huyện Đông Anh đã tổ chức cuộc họp ngày 02/8/2005 (gồm nhiều thành phần, cả đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường), đồng thời lần này Huyện đã đưa chính ông Giám đốc Công ty CTGT1 đứng ra báo cáo(?) Lấy đó làm căn cứ để ra Thông báo số 144/TB-UB ngày 05/8/2005 một lần nữa khẳng định: “Việc xảy ra tranh chấp đất đai, trật tự xây dựng giữa một số công dân thôn Nghĩa Lại với gia đình bà Nguyễn Thị Hoà (Người được Công ty CTGT1 tạm giao cho ở 1 gian nhà của cơ quan để trông coi) là do Công ty CTGT1 buông lỏng quản lý, nhiều năm không sử dụng để cho các hộ ở nhờ tự ý xây dựng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai và trật tự xây dựng...”. Tiếp đó, lãnh đạo Huyện yêu cầu: “Công ty CTGT1 cần sớm có phương án sử dụng khu đất trên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...”.
Thế là, chỉ vài văn bản thôi, thì lập tức những gia đình có hộ khẩu thường trú hợp pháp tại Hạt giao thông Đông Anh được chính Công ty của họ (Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành) tặng cho tài sản từ những năm 70 của thế kỷ trước bỗng chốc rơi vào cảnh “tay trắng”, trở thành những người “ở nhờ” để “trông coi nhà đất” cho một Công ty được thành lập ngày 27/3/1993 (Công ty Công trình giao thông 1).
Tuy nhiên, theo điều tra chúng tôi được biết: Tại thời điểm UBND huyện Đông Anh và xã Uy Nỗ ra nhiều văn bản có nội dung như trên. Song, cả hai cấp chính quyền huyện, xã và ông Nguyễn Mạnh Quỳnh là Giám đốc kế nhiệm của Công ty CTGT1 đều biết rõ; Trước đó, thửa đất trên đã được chính ông Phạm Quang Hanh là Giám đốc tiền nhiệm của Công ty CTGT1 đứng ra kê khai, đăng ký, xác định rõ đối tượng sử dụng và đề nghị các cấp có thẩm quyền: “Diện tích 1.692m2 đất; Đề nghị các cấp có thẩm quyền cho cán bộ công nhân viên tiếp tục được sử dụng để ở” tại Điều 9 của Tờ khai sử dụng đất ngày 02/7/1996, được Chính quyền xã Uy Nỗ thay mặt cho Nhà nước tại địa phương đồng ý, đóng dấu xác nhận rõ ràng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Công ty Công trình giao thông 1 được thành lập theo Quyết định số 1279/QĐ-UB ngày 27/3/1993 của UBND thành phố Hà Nội và chuyển đổi thành Công ty cổ phần năm 2005, có tên là: Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông I. Thực tế cho thấy: Việc Công ty này đứng tên tại Tờ khai sử dụng đất ngày 02/7/1996, thể hiện rõ đây chỉ là trách nhiệm liên quan của đơn vị này sau khi tiếp nhận, kế thừa của Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành. Vì thế, số diện tích 1.692m2 đất và nhà ở tại Hạt giao thông Đông Anh đã không có trong tài sản cố định của Công ty này đến trước ngày chuyển đổi thành Công ty cổ phần năm 2005.
Nhưng, đến ngày 20/5/2005 Công ty này đã có hành vi “mượn” Tờ khai sử dụng đất của 06 hộ gia đình Hạt giao thông (do ông Bùi Quang Duệ - Phó phòng hành chính của Công ty đứng ra mượn, đến nay chưa trả lại) rồi được sự “đồng thuận” của lãnh đạo chính quyền địa phương để được “nhận tài sản” không có căn cứ pháp luật, lấy đó làm cơ sở “xin” lãnh đạo thành phố Hà Nội để được “giao” 1.622m2 đất tại Hạt giao thông Đông Anh năm 2005 trái pháp luật và đưa số diện tích đất này vào tài sản cố định của Công ty từ năm 2005 đến ngày 01/4/2010 là có hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho các hộ dân tại đây.
Sự việc trên, chỉ sau khi (UBND huyện Đông Anh kiến nghị) UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 1482/QĐ-UBND ngày 01/4/2010 thu hồi diện tích 1.622m2 đất tại Hạt giao thông, nhưng lại đứng tên Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 với lý do:“Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 đang quản lý, sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, vi phạm Điều 38 Luật đất đai...” Và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh quản lý, thì sự việc mới bị “lộ rõ”.


Đề nghị UBND thành phố Hà Nội; Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an; Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, giải quyết và xử lý dứt điểm những sai phạm nêu trên theo chiều hướng tích cực, để 06 hộ dân Hạt giao thông Đông Anh được công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận và được xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi sẽ trở lại bài viết, sau khi có thông tin từ phía các cơ quan chức năng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét