Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Trở về sau 30 năm có giấy báo tử

Trở về sau 30 năm có giấy báo tử

Tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Trương Vũ Trí, trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Chính ông cũng không ngờ rằng đó là cuộc ra đi định mệnh, kéo dài suốt 43 năm đằng đẵng...

Năm 1969, trong một trận đánh của Sư đoàn tại Tây Nguyên, ông Trương Vũ Trí được coi là hy sinh. Đơn vị đã xác nhận ngày hy sinh của ông là 15/12/1969. Nhưng thực tế, trong trận đánh ác liệt này, ông Trí bị thương rất nặng, trí nhớ bị ảnh hưởng...

Ông Trí cùng người em ruột là Viết (bên trái) và hai con.
Tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Trương Vũ Trí, trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Chính ông cũng không ngờ rằng đó là cuộc ra đi định mệnh, kéo dài suốt 43 năm đằng đẵng...
Bởi vậy mà sự trở về đột ngột của người đàn ông sau 30 năm được công nhận liệt sỹ vào những ngày đầu tháng 11/2007 đã trở thành sự kiện "nóng" trên địa bàn huyện Ninh Giang.
Những ngày này, gia đình, bà con chòm xóm kéo đến nhà ông Trương Vũ Viết, em trai của ông Trí, ở đội 1, thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang nườm nượp. Họ vừa chúc mừng, thăm hỏi, đồng thời cũng là để thoả mãn trí tò mò vì gia đình ông Viết mới đón một người anh trai là liệt sĩ... trở về sau 43 năm lưu lạc.
Ngày đoàn tụ đầy nước mắt...
8h ngày 2/11, những hành khách cuối cùng trong cửa soát vé ga Hà Nội đã rời khỏi sân ga nhưng người thân trong gia đình ông Trương Vũ Viết, vẫn thẫn thờ đứng chờ. Ngày hôm nay, người anh trai sau 43 năm lưu lạc của ông sẽ trở về.
43 năm trước, khi anh trai ra đi, ông Viết mới chỉ là cậu bé lên 7 nên những ký ức và hình ảnh về người anh hầu như không còn trong trí nhớ... Trong tâm trạng hồi hộp, ông Viết cùng những người thân trong gia đình lặng lẽ dõi theo dòng người đang rời khỏi sân ga để kiếm tìm một dáng hình quen thuộc.
Sự chờ đợi khiến không gian như chùng xuống cùng cảm giác bồi hồi xen lẫn căng thẳng. Đúng lúc này, một người thân trong gia đình ông Viết chợt nhớ đến số máy điện thoại di động mà con trai ông Trí đã dùng để liên lạc.
Tiếng chuông điện thoại vang lên giữa sân ga ồn ã nhưng họ đã kịp nhận ra nhau... Hóa ra họ đang đứng cách nhau chỉ vài bước chân. Hơn bốn mươi năm gặp lại, ông Trương Vũ Trí không còn là anh thanh niên vạm vỡ ngày nào. Ông ngồi trên xe lăn, phía sau là 3 người con trai của ông Trí đang đăm đắm nhìn người chú ruột không thốt nên lời...
Sau giây phút chững lại, họ vội ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Cuộc hội ngộ của những người ruột thịt sau bao năm xa cách chỉ diễn ra chớp nhoáng nhưng cảm động và đầy nước mắt...
Trên chặng đường dài gần 100km từ Hà Nội về Hải Dương, ông Viết cứ cầm chặt đôi bàn tay chai sạn của người anh trai. Có nhiều điều ông dự định sẽ nói với anh mình nhưng lúc này ngôn từ bỗng trở nên bất lực...
Đặt chân xuống căn nhà của em trai, ông Trí run run thắp nén nhang cho người mẹ thân yêu đã qua đời. Đôi bàn tay nhăn nheo lẩn mẩn cầm, nắm những đồ vật kỷ niệm của gia đình. Đôi mắt người đàn ông từng trải chợt rưng rưng khi nhìn thấy tấm Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ mà người em trai út của ông đã nâng niu trong suốt 30 năm qua. Những ký ức dần hiện lên trong trí nhớ của ông.
Chuyến đi dài 43 năm...
Một năm sau ngày người cha thân yêu qua đời, chàng trai Trương Vũ Trí lúc đó vừa tròn 19 tuổi từ biệt mẹ già, em nhỏ và làng quê yên bình lên đường đi thanh niên xung phong. Một năm đầu, đơn vị ông đóng quân tại Lạng Sơn... Sau đó, ông Trí chuyển sang một đơn vị quân đội rồi vào thẳng chiến trường miền Nam và trở thành lính đặc công.
Ông đã chiến đấu trong Trung đoàn 24C, Sư đoàn 320 và nhiều trận đánh lớn, nhỏ từ Tây Nguyên đến Lộc Ninh (Tây Ninh)... Năm 1969, trong một trận đánh của Sư đoàn tại Tây Nguyên, ông Trí được coi là hy sinh. Đơn vị đã xác nhận ngày hy sinh của ông Trí là 15/12/1969.
Thế nhưng phải đến năm 1977, gia đình ông Trí mới nhận được giấy báo tử ông... Kể đến đây, ông Trí dừng lại: Thực tế, trong trận đánh ác liệt này, ông Trí bị thương rất nặng rồi trí nhớ không ổn định. Sau ngày khỏi bệnh, ông Trí phiêu bạt vào đến huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Trong những ngày này, ông Trí gặp bà Vũ Thị Sim, người vợ của ông bây giờ, lúc đó là Việt kiều Campuchia, theo tiếng gọi của Tổ quốc trở về tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương.
Người đàn bà đó thương tình cưu mang, giúp đỡ rồi trở thành người "nâng khăn, sửa túi" giúp ông trong những ngày trái nắng, trở trời. Nhờ sự cần mẫn của người vợ trẻ, trí nhớ của ông Trí dần được hồi phục nhưng ông cũng không đủ tỉnh táo để nhớ ra quê hương, bản quán nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
5 đứa con liên tiếp chào đời, cuộc sống gia đình đè nặng lên vai người phụ nữ tần tảo. Tuy sức khỏe yếu nhưng những lúc tỉnh táo, ông vẫn phụ giúp vợ con. Ông Trí có 5 người con, 4 trai, 1 gái nhưng cũng mới có người con gái lấy chồng. Vợ ông và các con đang ở Long An đi làm thuê cũng chỉ đủ sống.
Theo trí nhớ lúc mờ lúc tỏ, ông thường kể cho các con về quê nội, về những người thân yêu trong gia đình, đặc biệt là người chị có tên Trương Thị Gái. Chắp nối lại thông tin của cha,  con trai ông Trí đã đem chuyện kể lại với ông Cảnh, một người cùng làm, có quê ở Chợ Cuối, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Nặng lòng với người cùng quê, trong chuyến trở về thăm gia đình ở Hải Dương, ông Cảnh đã hỏi và đến được gia đình của em trai ông Trí là ông Trương Vũ Viết. Thông tin về người anh trai được coi là liệt sĩ còn sống khiến ông Trương Vũ Viết, người em út trong gia đình quá đỗi bàng hoàng.
Nhưng qua lời kể của ông Cảnh, cộng với địa chỉ, số điện thoại nhà riêng, số điện thoại di động của các con ông Trí đang sinh sống tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, ông Viết có niềm tin rằng đó chính là người anh trai đã lưu lạc 43 năm.
Sau khi liên lạc và thống nhất với gia đình ông Trí, gia đình ông Viết đã hẹn ngày rồi thuê ôtô lên Hà Nội để đón anh trai và các cháu trở về.
"Liệt sĩ" Trương Vũ Trí đã trở về bằng da thịt, nhưng ông không còn được gặp người mẹ thân yêu của mình, bà đã ra đi sau ngày nhận được giấy báo tử của người con cả, ông Trương Vũ Cống hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, sau đó là tin ông Trí hy sinh.
Ngần ấy năm được trở về với mảnh đất nơi chôn nhau, cắt rốn, ông Trí không thể ngờ cuộc đời của ông lại nhiều sóng gió đến vậy. Ông cũng không biết rằng chiếc Huân chương Chiến công, Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ của ông mấy chục năm qua vẫn được người em út hằng ngày phủi bụi, phần bia mộ của ông ngoài nghĩa trang liệt sĩ vẫn được chăm lo chu đáo.
Hiện nay, chính quyền và các đoàn thể địa phương vẫn thường xuyên đến thăm hỏi ông Trí, nhưng cũng chưa ai hình dung sẽ phải giải quyết thế nào đối với trường hợp hi hữu này, "liệt sĩ" nhưng vẫn còn sống
http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/-5033/tro-ve-sau-30-nam-co-giay-bao-tu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét