(HNMO)- Sáng
nay (29-9), tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời các chất vấn của đại biểu liên quan
đến thực hiện Nghị quyết của QH về xử lý tồn đọng khiếu nại tố cáo về
đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất; biện pháp khắc
phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất cho nhân dân...
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn. |
Muốn có sổ đỏ, người dân phải “bôi trơn”?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết đã nhận được phản ánh của người dân về việc
chậm chễ, tiêu cực trong cấp sổ đỏ cho các hộ dân các dự án chung cư tại
Hà Nội.
“Thực tế có nhiều dự án đã thanh toán và bàn giao cho người sử dụng hàng
năm mà vẫn chưa cấp sổ đỏ. Nguyên nhân một phần do tiêu cực và nhũng
nhiễu… Bộ có biết và trách nhiệm như thế nào? Việc cấp sổ đỏ không làm
riêng lẻ từng trường hợp mà làm từng toà nhà, thông qua chủ đầu tư. Do
đó, người dân phản ánh phải mất phí bôi trơn để làm sổ đỏ. Các quy định
về việc này mập mờ; quy trình thời hạn giải quyết mập mờ… dư luận về
đường dây làm sổ đỏ là có cơ sở….” - đại biểu này chất vấn.
|
Bộ trưởng thừa nhận việc cấp "sổ đỏ" ở những khu đô thị tại Hà Nội rất phức tạp |
Trả lời câu hỏi của ĐB Cương, Bộ trưởng cho rằng sau khi có Nghị quyết
30 của Quốc hội, Bộ đã cùng các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho đến nay đã đạt được kết quả bước
đầu quan trọng.
“Việc chậm trễ, kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có
trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai các địa phương. Riêng tại
các khu đô thị như Hà Nội, TP HCM rất phức tạp. Đặc biệt tại Hà Nội,
liên quan đến các khu chung cư và trách nhiệm của chủ đầu tư. Bộ đã cử
nhiều đoàn xuống làm việc trực tiếp. Tình hình được cải thiện rất nhiều.
Tới đây Bộ sẽ tăng cường hơn nữa, vừa hướng dẫn, vừa tìm ra giải pháp,
tăng cường thanh tra, kiểm tra các thủ tục cấp sổ đỏ. hiện nay thủ tục
được rút ngắn rất nhiều, tuy nhiên, trên thực tế thực hiện đòi hỏi cần
thanh tra, kiểm tra".
Cũng nêu chất vấn về nội dung này, ĐB Bùi Thị An muốn Bộ trưởng thông
tin thêm vụ việc trên để đại biểu báo cáo với cử tri và được Bộ trưởng
cho biết sẽ trả lời bằng văn bản.
Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề
nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cần quan tâm hơn tới việc cấp sổ đỏ,
nhất là ở các chung cư tại các TP lớn.
Xử ký khai thác trái phép khoáng sản còn quá nhẹ, quá ít
Trong báo cáo trước chất vấn về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo
vệ môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, từ năm 2013, Bộ đã
giảm một nửa số giấy phép được cấp mới. Việc thanh tra, kiểm tra về xử
lý vi phạm trong khai thác khoáng sản được đẩy mạnh hơn. Việc xử lý các
cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có chuyển biến tích cực… Tình
trạng khai thác khoáng sản trái phép mặc dù vẫn còn nóng tại một số địa
phương nhưng đã giảm hơn về số lượng so với trước đây. Thời gian tới,
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trong quản lý khoáng sản, tăng
cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi
phạm.
Nêu chất vấn đầu tiên về vấn đề quản lý trong khai thác khoáng sản, ĐB
Tuyết Liên (Sóc Trăng) muôn Bộ trưởng đưa ra giải pháp trọng điểm, đột
phá để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trách nhiệm xử lý thuộc về các địa
phương. Hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi trên sông
kiểm tra rất khó, để bắt quả tang cần các lực lượng liên ngành và quan
trọng nhất là trách nhiệm quản lý của các địa phương.
“Hàng năm Bộ trưởng có báo cáo tổng hợp tình hình vi phạm và việc xử lý
vi phạm trong lĩnh vực khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, nhưng
còn quá nhẹ, quá ít. Đây là hành vi rút ruột quốc gia, hủy hoại đặc biệt
nghiêm trọng đến môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân. Phải
chăng có sự tiếp tay, thông đồng của cán bộ cấp giấy phép đối với đối
tượng khai thác trái phép hay không như lâm tặc, cát tặc, vàng tặc...”-
ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn.
Đồng tình với đại biểu, Bộ trưởng cho rằng việc xử lý vi phạm quá nhẹ,
nhưng đó là theo quy định của pháp luật. “Về mức độ nặng hay nhẹ liên
quan đến nhiều yếu tố. Cần phải có quy định nặng hơn nữa, thậm chí thu
hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự…” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Bộ trưởng cũng đưa ra số
liệu, từ ngày 1-7-2011, khi Luật Khoáng sản có hiệu lực cho đến hết
tháng 9/2014, Bộ đã cấp tổng cộng 109 giấy phép (trong đó có 51 giấy
phép khai thác). “Những hồ sơ này đều nhận trước khi Luật có hiệu lực,
hồ sơ mới gần như không có. Và những giấy phép này đều được phép của
Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải thích thêm.
Cần 2000 tỷ đồng để đo đạc đất nông lâm trường
Đất nông lâm nghiệp là nguồn lực quốc gia, tuy nhiên, việc quản lý sử dụng đất đai còn nhiều tồn tại.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn về việc chậm chễ trong đo đạc bản đồ,
cấp giấy chứng nhận liên quan đến quản lý đất nông lâm trường. Bộ trưởng
Nguyễn Minh Quang cho biết, thực tế việc sử dụng đất nông lâm trường
không hiệu quả. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, chỉ đạo về
nội dung này nhưng kết quả thực hiện vẫn hạn chế…
|
Sử dụng đất nông lâm trường không hiệu quả. Ảnh minh hoạ |
“Về kinh phí đo đạc hồ sơ địa chính đất nông lâm trường chưa được đo
đạc, cấp giấy phép, trong Ban chỉ đạo Chính phủ đã bàn kỹ. Các địa
phương đang gửi lên Bộ tổng hợp, sau đó trình Chính phủ khoản kinh phí
khoảng 2000 tỷ để đo đạc. Bộ sẽ thẩm tra nhưng dứt khoát phải có tiền
mới làm được” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
ĐB Danh Út, Phó chủ tịch HĐ Dân tộc nêu chất vấn về vấn đề quản lý sử
dụng đất đai của các nông lâm trường hiện nay, nhất là cấp quyền sử dụng
đất và lãng phí đất đai: “Hiện cả nước có trên 650 lâm trường, chiếm ¼
đất đai cả nước, nhưng đến nay mới có 52,84% đất nông lâm trường được
cấp quyền sử dụng đất, trong khi cả nước cấp đạt 82,3%. Như vậy đất nông
lâm trường được cấp quyền sử dụng rất thấp... Có phải hiện nay đất cát
nông lâm trường nằm trên sổ sách là chính, còn thực tế đã bị tranh chấp,
chiếm dụng?…”
Nhận trách nhiệm một phần về Bộ Tài nguyên và Môi trường khi để chậm trễ
trong quản lý, kiểm tra, đo vẽ hồ sơ địa chính, cấp giấy, Bộ trưởng
Nguyễn Minh Quang hứa trong năm 2015 sẽ tập trung để giải quyết quyết
liệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét