Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Phải làm tròn trách nhiệm với dân

Phải làm tròn trách nhiệm với dân
Thứ Năm, 09/10/2014, 07:29 [GMT+7]
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa;  Ủy viên Thường trực HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng chủ trì hội nghị.        Ảnh: VĂN NỞ
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa; Ủy viên Thường trực HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng chủ trì hội nghị. Ảnh: VĂN NỞ    


Ngày 8-10, HĐND thành phố khóa VIII tổ chức Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11 nhằm giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố. Nội dung giám sát gồm: Xử lý nợ đất tái định cư, công tác tuyển sinh đầu cấp để đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày từ năm học 2015-2016; đầu tư xây dựng các công trình văn hóa; tiến độ một số công trình và tuyến đường, thực hiện thảm nhựa các tuyến đường có từ 50% hộ dân đang ở; công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý vi phạm quy định sử dụng căn hộ chung cư trên địa bàn thành phố...
Phải xử lý trách nhiệm để thừa đất mà không bố trí cho dân
Buổi sáng, hội nghị đã nghe báo cáo của UBND thành phố về công tác xử lý nợ đất TĐC, tình hình thảm nhựa các tuyến đường có 50% hộ dân sinh sống trở lên, tiến độ thực hiện 2 công trình và 6 tuyến đường theo Nghị quyết HĐND thành phố. Theo báo cáo của UBND thành phố, sau khi tổng rà soát số hộ dân bị nợ, số lô đất nợ và quỹ đất TĐC trên địa bàn 4 quận: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, tổng số hộ dân đã bàn giao mặt bằng đang chờ đất TĐC là 1.389 hộ với tổng số lô đất nợ 1.751 lô.
Qua rà soát, quỹ đất TĐC đã có hạ tầng chưa bố trí còn 9.128 lô, gấp hơn 5,2 lần tổng số lô đất nợ dân. Các hộ dân bị nợ đất TĐC đã được chuyển đổi sang bốc thăm chọn lô đất thực tế ở những nơi đã có hạ tầng. Đến ngày 3-10-2014, UBND thành phố đã bố trí đất thực tế 685 lô đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Các lô đất nợ trên địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang sẽ giao đất thực tế thành 2 đợt trước 30-10 và trước 30-11-2014.
Hội nghị “nóng” ngay từ đầu với các chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố về quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây ra tình trạng dân bị nợ đất TĐC dai dẳng nhiều năm trong khi quỹ đất thừa gấp 5,2 lần số nợ đất. ĐB Phan Thị Thúy Linh đặt vấn đề, đất TĐC thực tế có hạ tầng thừa không bố trí cho dân trong khi ngân sách của thành phố phải bỏ ra mỗi năm 18 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thuê nhà ở trong khi chờ bố trí TĐC. Ai chịu trách nhiệm việc này? ĐB Nguyễn Đăng Hải thông tin, dư luận nhân dân rất đồng tình các cuộc đi thực tế rà soát đất TĐC của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và chỉ đạo việc bốc thăm chọn đất là cách làm dân chủ.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện “Đảng nói-dân tin, Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo, chính quyền làm-dân ủng hộ” cần phải xử lý trách nhiệm, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng dư đất TĐC mà không bố trí cho dân, gây thiệt hại cho ngân sách thành phố phải chi tiền hỗ trợ thuê nhà. ĐB Thái Thanh Hùng đồng tình: Phải xử lý trách nhiệm và thông tin kết quả cho dân biết. Nếu không làm hôm nay thì đến kỳ họp HĐND thành phố cuối năm phải trả lời cho dân được biết. Ông Hùng còn đặt nghi vấn tại sao đất hướng bắc, hướng tây thì bố trí cho dân ở nhiều, đất còn thừa thì toàn hướng đẹp như hướng nam?
Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình thảm nhựa các tuyến đường đã có từ 50% hộ dân ở và tiến độ 2 công trình, 6 tuyến đường. Các ĐB và Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao việc UBND thành phố đã hoàn thành công trình Công viên Đầm Rong 2 và Trạm xử lý nước thải Làng đá mỹ nghệ Non nước, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh. HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Công Hoan, Tô Hiệu, Tôn Đản và hoàn thành thảm nhựa 58 tuyến đường.
Trả lời các câu hỏi của ĐB, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết, từ khi thực hiện giải tỏa để mở rộng thành phố đến nay đã hình thành 17 ban quản lý dự án, công ty tham mưu cho UBND thành phố thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí TĐC.
Trong quá trình quản lý điều hành chưa chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng như các ĐB chất vấn. Trách nhiệm thuộc về UBND thành phố, tiếp đến là trách nhiệm của 17 người đứng đầu các ban quản lý, công ty thực hiện nhiệm vụ của UBND thành phố giao. Trong đó có cả trách nhiệm của Mặt trận và đoàn thể giám sát chưa tốt.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban Giải tỏa đền bù số 1 giải thích: Những lô đất thừa là đất đường 7,5 m trở lên, còn đất bố trí cho dân là đất ở đường có chiều rộng 5,5m nên không thể bố trí cho dân. Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, do suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến thành phố nên thiếu vốn đầu tư hạ tầng đất tái định cư. Dân bức xúc không phải vì đất để làm nhà mà vì đất được bố trí thêm, đất để dành (!?).
Không chấp nhận những luận giải trên, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã bác các giải thích và nhấn mạnh thành phố không thiếu vốn cũng không thiếu đất. Đất đường 5,5m đã có sẵn đến 80% rồi. Sở Xây dựng không nắm được nhu cầu đất TĐC, không biết thừa thiếu ở đâu. Sở Kế hoạch và Đầu tư nắm không chắc, cân đối vốn không đúng với dự án TĐC đang cần vốn. Cách giải thích quanh co không thấy trách nhiệm của đơn vị mình, trách nhiệm cá nhân mình trước nhân dân. “Làm sai thì hãy dũng cảm nhận trách nhiệm dân mới tin”, Chủ tịch HĐND thành phố nói.
Theo ĐB Võ Văn Thương, công tác phối hợp giữa Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng và các ban quản lý dự án bố trí TĐC lâu nay không chặt chẽ nên không kiểm soát được đất. Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng đồng tình ý kiến này. Hội đồng giải phóng mặt bằng chỉ biết giải phóng mặt bằng chứ không biết được có bao nhiêu lô đất để bố trí TĐC.
Chủ tịch HĐND thành phố kết luận công tác rà soát và trả nợ đất TĐC được xử lý rốt ráo và cơ bản giải quyết xong. Dân có đất làm nhà, thành phố không phải trả tiền thuê nhà nữa. Các tổ chức, cá nhân có liên quan phải phê bình một cách nghiêm túc. Lãnh đạo phải nhận khuyết điểm, thiếu sót. Từ sự việc này cần phải rút kinh nghiệm về tổ chức bộ máy các ban giải tỏa đền bù. Đông người nhưng hoạt động không hiệu quả, thiếu công khai minh bạch. Sự phối hợp giữa các ban với các quận, huyện, phường, xã thiếu chặt chẽ, thiếu chia sẻ thông tin, thiếu vai trò nhạc trưởng. Vai trò tham mưu của Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND thành phố chưa tốt. Thiếu sự kiểm tra đến nơi đến chốn của lãnh đạo thành phố để kịp thời điều chỉnh.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ khẳng định: Để xảy ra tình trạng thừa đất mà không bố trí cho dân thì trách nhiệm trước hết của lãnh đạo thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố nhận trách nhiệm của mình trong việc này. “Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là các ban giải tỏa đền bù. Tại sao đất TĐC thừa mà không tham mưu bố trí cho dân, đã thực sự lo cho dân chưa? Nếu tham mưu tốt thì dân vừa có đất làm nhà, thành phố không bị thiệt hại về ngân sách hỗ trợ tiền thuê nhà”, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.                           Ảnh: VĂN NỞ
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VĂN NỞ
Cần xây dựng tiêu chí cho các trường không tuyển sinh trái tuyến
Về thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp theo Nghị quyết HĐND về học sinh tiểu học (HSTH) học 2 buổi/ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành khảo sát nhu cầu về phòng học để đảm bảo 100% HSTH học 2 buổi/ngày vào năm học 2015-2016 theo quy định. Năm 2014-2015, có 85% HS học 2 buổi/ngày. Trong đó có 3 quận, huyện Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang có 100% HSTH được học 2 buổi/ngày.
Riêng 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ có 21 trường còn một số lớp chưa được học 2 buổi/ngày. Thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 19 trường mới, tuy nhiên công việc đầu tư còn chậm và dự kiến đến 31-10 mới hoàn thành thủ tục đầu tư và được triển khai trong năm 2015. Từ năm học 2013-2014, có 4 trường không được tổ chức tuyển sinh trái tuyến, tuy nhiên qua kiểm tra đã có một số trường vi phạm như Trường THCS Trưng Vương, có 99 trường hợp tuyển không đúng.
ĐB Cao Thị Huyền Trân đề nghị thành phố cần xây dựng tiêu chí cho các trường không được tổ chức tuyển sinh trái tuyến để thực hiện tốt công tác tuyển sinh trong các năm học tiếp theo. ĐB Trân cũng cho rằng, hiện nay học sinh ngày càng tăng cao trong khi phòng học lại thiếu và liệu các công trình xây dựng trường học hoàn thành có đảm bảo được 100% HS học 2 buổi/ngày hay không và thành phố đã có quy hoạch đất cho giáo dục không?
Trả lời ý kiến ĐB nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đưa ra giải pháp, hiện nay một số trường sử dụng chưa hết công năng phòng học nên có thể sử dụng phòng chức năng và phòng hiệu bộ để làm phòng học cho HS. Các trường điều hòa HS lẫn nhau để sử dụng cho hết công suất. Trong quy hoạch của ngành, quy hoạch khu dân cư… có quy hoạch các điểm trường và tiếp tục rà soát các quy hoạch các điểm trường sao cho phù hợp với chiến lược đào tạo của ngành giáo dục. Theo ông Thơ, việc xây dựng 19 trường với tổng nguồn vốn 67 tỷ đồng là cơ bản đáp ứng học sinh học 2 buổi/ngày.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đề nghị các quận, huyện sớm triển khai xây dựng các phòng học để đảm bảo HS học 2 buổi/ngày. Sau hội nghị giám sát này, đến cuối năm phải thực hiện xong các thủ tục đầu tư và sang đầu năm 2015 tiến hành thi công để đến tháng 9-2015, HS vào nhập học. Qua việc thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo Nghị quyết HĐND về học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đã giúp nhiều lớp được học 2 buổi/ngày. Bài học kinh nghiệm được rút ra là khắc phục tâm lý thích con em học ở trường trung tâm, điều tra cư trú ở các địa phương phải chính xác, điều hòa và phân bổ giáo viên cho hợp lý và chấn chỉnh tình trạng nhập hộ khẩu nhờ.   
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng trả lời chất vấn các đại biểu HĐND thành phố.  Ảnh: VĂN NỞ
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng trả lời chất vấn các đại biểu HĐND thành phố. Ảnh: VĂN NỞ
Xử lý nghiêm vi phạm sử dụng chung cư
Về tình hình xử lý vi phạm trong việc sử dụng chung cư trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty Quản lý nhà chung cư thành lập tổ kiểm tra, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng trên 7.000 căn hộ. Qua kiểm tra, đã kiến nghị xử lý 268 trường hợp vi phạm quy định sử dụng chung cư như để trống, sang nhượng trái phép, cho thuê lại, cho người khác ở nhờ đã cơ bản giải quyết xong. Trong 116 trường hợp CBCCVC vi phạm, có 65 trường hợp đã dọn về ở hoặc có lý do chính đáng được UBND thành phố đồng ý cho tiếp tục thuê ở; 51 trường hợp đã trả lại căn hộ. Đối với 152 trường hợp là các hộ khó khăn về nhà ở, có 3 trường hợp đã trả lại, 3 trường hợp thuộc diện giải tỏa, 39 trường hợp đã dọn về ở và có đơn trình bày chính đáng, 107 trường hợp thuộc diện khó khăn nhà ở.
Đối với CBCCVC vi phạm trong việc sử dụng nhà chung cư, Sở Nội vụ đã có công văn đề nghị Công ty Quản lý nhà chung cư báo cáo danh sách vi phạm để tổng hợp, báo cáo. Đến nay, tất cả các trường hợp CBCCVC vi phạm đã giao trả lại căn hộ chung cư theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng đã có công văn gửi Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy để xin ý kiến về các hình thức xử lý kỷ luật như: Đối với trường hợp cho ở nhờ: khiển trách; đối với trường hợp cho thuê lại: cảnh cáo; đối với trường hợp sang nhượng nhà cho thuê: từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc. Đến nay, trong 10 đơn vị có CBCCVC vi phạm đã có 6 đơn vị tiến hành kiểm điểm và 4 đơn vị chưa kiểm điểm.
ĐB Huỳnh Bá Cử cho rằng, vi phạm quản lý nhà chung cư cần có biện pháp căn cơ và xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý. ĐB Tạ Tự Bình cho rằng, việc xử lý các CBCCVC vi phạm trong việc sử dụng nhà chung cư đã có quy định cụ thể khi chia thành 3 nhóm, 3 hành vi; tuy nhiên về thời hạn xử lý, các ngành vẫn chưa có kết luận nghiêm túc, vẫn còn có một số ngành đến nay vẫn chưa kiểm điểm và xử lý trường hợp vi phạm. Do vậy, thành phố cần xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm để làm gương. ĐB Bình cũng cho rằng, một số trường hợp vi phạm ở đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc khi chiếm dụng các ki-ốt từ năm 2006 đến nay gây bức xúc trong dư luận, do đó thành phố cần có ý kiến chỉ đạo xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm này.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đề nghị Sở Xây dựng làm rõ các hộ chiếm dụng từ năm 2006 và cho rằng Sở Xây dựng vẫn chưa làm mạnh tay; đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng trả lời 51 hộ dân vi phạm có thu hồi được không và bao giờ thu xong. “Dân thuê nhà của Nhà nước, mình không có giải pháp thu hồi. Tại sao như thế hay là né tránh, ngại va chạm? Nếu thấy quá tải không xử lý được thì báo cáo cho thành phố để xử lý”, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đề nghị. Gợi ý về cách giải quyết vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu, “đồng chí nào đã trả đúng thời hạn thì không kiểm điểm, phê bình; còn không trả đúng hạn thì kiểm điểm, nếu không trả thì xử lý kỷ luật”.
Mục tiêu lớn nhất là phục vụ người dân
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đánh giá nội dung chất lượng trong các báo cáo và ý kiến của đại biểu thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử, cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện, từ đó công khai với cử tri những việc làm tốt, làm chưa tốt để nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa khắc phục kịp thời. Sự điều hành của UBND thành phố có trách nhiệm với cử tri thành phố. “Cái gì làm được, làm hay được cử tri đồng thuận ủng hộ và đánh giá cao thì cần phát huy nhân rộng. Ngược lại, những việc đã hứa trước dân nhưng làm chưa tốt, chưa hiệu quả thì cần nghiêm túc nhắc nhở, phân tích phê bình nghiêm túc, mục tiêu lớn nhất là phục vụ đời sống người dân Đà Nẵng tốt hơn”, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định.
Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, cử tri thành phố tin tưởng bầu 50 đại biểu HĐND thành phố, do vậy trách nhiệm của đại biểu HĐND là thể hiện trách nhiệm của mình trước kỳ vọng và niềm tin của cử tri gửi gắm.
Do vậy, các đại biểu HĐND thành phố và các cơ quan chức năng của thành phố phải làm tròn trách nhiệm của mình, trước mắt là dồn sức hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2014; cần tập trung hoàn thành dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng để tạo điều kiện đưa kinh tế phát triển nhanh hơn; thực hiện hiệu quả kết luận của Thường trực Thành ủy sau khi làm việc với 3 doanh nghiệp lớn; chủ động phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; xử lý dứt điểm nợ đất tái định cư; xử lý kiên quyết, triệt để vi phạm về sử dụng chung cư; lên phương án xây dựng mới Trường THPT Phan Châu Trinh trong năm 2015; tập trung xây dựng thành phố môi trường, bảo đảm trật tự đô thị, giữ thành phố sạch đẹp hơn…
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ tin tưởng, hội nghị giám sát sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực hơn trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa kinh tế-xã hội thành phố phát triển nhanh trong thời gian đến.
Hoàn thiện nghị định về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng
Phát biểu tiếp thu, giải trình tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, UBND thành phố nghiêm túc ghi nhận và tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu HĐND tại hội nghị. UBND thành phố sẽ phân công các Phó Chủ tịch bám sát địa bàn và các dự án trọng điểm để chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu ra tại hội nghị; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả 26 đầu việc Thường trực Thành ủy giao từ nay đến cuối năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, quan trọng nhất là không đẩy qua, đẩy lại “quả bóng trách nhiệm” giữa các cấp, các ngành mà phải thẳng thắn nhận trách nhiệm trước cử tri thành phố.
Phương pháp xử lý đối với những lô đất trống sau rà soát, kiểm tra là tổ chức bán cho cán bộ, công chức, đối tượng chính sách và người dân chưa có nhà ở. Về dự án Công viên Châu Á đầu tư 2 giai đoạn với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng.
Hiện nay vướng mắc lớn nhất là giải tỏa 65 lô đất của nhà đầu tư trong vùng dự án. Việc bán vé và giá vé như thế nào thì thành phố sẽ duyệt. Một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm 2014 là UBND thành phố sẽ dồn sức tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng để tạo điều kiện đưa kinh tế-xã hội thành phố phát triển nhanh hơn.
S.TRUNG - Đ.LƯƠNG - V.DŨNG
,http://www.baodanang.vn/in/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét