Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Nhà nước không thu hồi đất thay doanh nghiệp

Nhà nước không thu hồi đất thay doanh nghiệp

Văn phòng Chủ tịch nước chuẩn bị họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Đất đai sửa đổi. Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Luật Đất đai sửa đổi giải quyết cơ bản hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất.


Thưa Phó thủ tướng, theo Luật Đất đai sửa đổi, đối với trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Quy định này sẽ khắc phục được những hạn chế gì trong việc thu hồi đất?


Luật Đất đai quy định, đối với trường hợp thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp; dự án khai thác khoáng sản; khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ, nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng thì phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Như vậy, quy định này sẽ chấm dứt được sự tùy tiện trong thu hồi đất của người dân.
Người dân có đất bị thu hồi phục vụ lợi ích công cộng, dự án phát triển kinh tế - xã hội được bồi thường theo giá do UBND cấp tỉnh quy định, các trường hợp khác phải thực hiện theo giá thỏa thuận. Quy định này trong Luật Đất đai, theo nhiều ý kiến sẽ dẫn đến ách tắc trong thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế?


Nếu doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận, vì mục đích kinh tế, thì dứt khoát phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự. Giao dịch dân sự tức là hai bên thỏa thuận, nếu doanh nghiệp và người dân thỏa thuận được về giá thì thực hiện giao dịch chuyển nhượng QSDĐ, không thì thôi, Nhà nước không can thiệp. Vì vậy, trước khi định đầu tư vào đâu, doanh nghiệp phải lường trước, tính toán hiệu quả đầu tư.
Nhưng vấn đề đặt ra là, trong cả mảnh đất chỉ có 15 - 20% số người không đồng ý giá đền bù sẽ dẫn đến ách tắc cả dự án hàng trăm tỷ đồng, thưa Phó thủ tướng?
Từ trước đến nay, đối với những dự án thu hồi đất theo giá thỏa thuận khi được sự chấp thuận của 70 - 80% số người có đất bị thu hồi, nhiều nơi đã thực hiện cưỡng chế thu hồi đối với diện tích đất còn lại, dẫn đến bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện.
Để chấm dứt tình trạng đó, Luật Đất đai sửa đổi quy định, tất cả dự án, ngoài dự án được xác định là vì lợi ích kinh tế - xã hội, vì mục đích công cộng, phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận với tất cả người dân có đất bị thu hồi, Nhà nước dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Doanh nghiệp thỏa thuận được với tất cả người dân có đất bị thu hồi thì đầu tư, không thì thôi, không lẫn lộn cơ chế thu hồi và cơ chế thỏa thuận.
Vậy liệu có gây khó khăn trong trường hợp doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng để thực hiện đền bù và đầu tư?
Doanh nghiệp đã đầu tư thì phải tính trước, lường trước tất cả mọi khó khăn trong việc thu hồi đất. Cụ thể, khi đầu tư ở đâu, doanh nghiệp phải tìm hiểu xem sự đồng thuận của người dân khu vực ấy ra sao, phải tổ chức họp với người dân để thuyết phục được tất cả người dân trong vùng định đầu tư chuyển nhượng QSDĐ cho mình. Việc chuẩn bị dự án đầu tư phải hoàn thiện mọi quy trình, thủ tục trước khi đặt viên gạch đầu tiên xây dựng dự án.


Nếu doanh nghiệp chưa thỏa thuận được về giá đền bù cho 100% người dân có đất bị thu hồi mà đã tiến hành đầu tư trên diện tích đất đã thu hồi được, thì phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không thể tồn tại cơ chế "tiền trảm hậu tấu" theo kiểu cứ đầu tư rồi đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ để thu hồi nốt diện tích còn lại cho dự án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét