Ân Oán Cõi Đời.(2)
Còn nếu như được hỏi:
mình thù ghét ai nhiều nhứt,
thường thường con người sẽ đáp: thù
kẻ này hại mình, ghét người kia hơn mình, nhiều nhứt. Tuy nhiên, trên
thực tế, con người thù ghét chính bản thân mình nhiều nhứt, chứ không
phải người nào khác! Tại sao vậy? Bởi vì, con người vì lòng tham lam vô
hạn, vẫn tạo tội tạo nghiệp, dù biết hậu quả không tốt sẽ đến với mình.
Bởi vì, con người vì lòng sân hận vô biên, vẫn tạo tội tạo nghiệp, dù
biết hậu quả hiểm nguy sẽ đến với mình. Bởi vì, con người vì lòng si mê
vô cùng, vẫn tạo tội tạo nghiệp, dù biết hậu quả khó lường sẽ đến với
mình.
Nghĩa là con người thù ghét chính
bản thân mình nhiều nhứt, bởi vì sự vô minh từ nhiều đời nhiều kiếp, cho
nên luôn luôn duyên theo cảnh trần, tạo tội tạo nghiệp không ngừng, do
đó lãnh đủ nghiệp báo, hậu quả nặng nề, trầm luân sanh tử, mà vẫn không
thức tỉnh tìm đường giải thoát!
Trong sách có câu: “Giáo đa tất oán”. Nghĩa
là dạy nhiều sinh thù oán. Trong đạo cũng như ngoài đời, thường khi
những người có lòng, muốn chỉ dạy nhiều cho thế hệ sau, muốn truyền dạy
tất cả những điều cần thiết, muốn những người nối dõi đạt được những
thành tích khả quan. Tuy nhiên, chính vì muốn quá nhiều như vậy, cho nên
chỉ dạy quá nhiều, kỷ luật nghiêm khắc, rèn luyện khổ công, kiểm soát
chặt chẽ, sách tấn thường xuyên, nhiều người thế hệ sau chẳng những đã
không biết ơn, đã không hiểu thấu tấm lòng của thế hệ trước, trái lại,
còn sanh tâm oán trách, hờn giận, tệ hơn nữa là, sanh tâm thù hận! Ðúng
là “làm ơn mắc oán” đó vậy! Cổ nhơn có dạy: “Người chê ta mà chê phải tức là thầy ta. Người khen ta mà khen phải tức là bạn ta”. Ðối với người đời, quan niệm này quả là kim chỉ nam cho bực quân tử, trong việc xử thế ở đời. Tuy nhiên, đối với người biết tu tâm dưỡng tánh, theo quan điểm của đạo Phật, người khác khen hay chê, dù phải hay không phải, chúng ta đều tôn trọng họ như bực thầy lành hoặc bạn tốt. Còn
hơn thế nữa, chúng ta nhìn họ như những bực bồ tát. Tại sao vậy? Bởi
vì, người giúp đỡ phương tiện cho mình tu tập, hoằng pháp lợi sanh, cũng
như người chuyên phá rối, bằng hành động cũng như bằng lời nói, đều là
bực “thiện hữu tri thức” của mình.
Hạng người thứ nhứt được ví như
bồ tát thuận hạnh
, chẳng hạn như thầy dạy học hay bạn
hữu hằng giúp đỡ chúng ta, thường ban cho những lời khen thưởng thực
tình, đúng lúc, để khuyến khích, động viên tinh thần, hoặc chê trách hay
quở phạt với tất cả tấm lòng từ bi, vì sự tiến bộ của chúng ta, chứ
không vì bản ngã của họ. Hạng người thứ hai được ví như bồ tát nghịch
hạnh, chẳng hạn như giám khảo trường thi hay trường đời. Những người này
nhiều khi khen chê không phải lúc, không phải vì thiện tâm, lại có dụng
ý, ác tâm, không phải vì chúng ta, mà vì bản ngã của họ. Nhờ hạng người
thứ nhứt, chúng ta có được sự hiểu biết, có được kiến thức, đạt được
giác ngộ, vững tâm tu học, biết đường ngay lẽ phải để noi theo. Nhờ hạng
người thứ hai, chúng ta có được bằng cấp ở đời, nếu vượt qua được sự
khảo hạch và thi đậu, hoặc chúng ta biết được trình độ tu tâm dưỡng tánh
của mình đã đến đâu, đạt được trình độ nào, chăn trâu tới giai đoạn thứ
mấy. Trong các chùa luôn luôn có thờ tôn tượng của cả hai hạng người
trên đây: tượng đức Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện Ðại Sĩ.
Tượng đức Hộ Pháp với
khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, tay cầm kiếm trí tuệ cắt đứt phiền não,
vượt qua khổ đau, đạp lên trên con rắn độc có ba đầu dưới chân, biểu
tượng của tam độc: tham sân si, không phải là một vị, mà tượng trưng cho
tất cả những người có công với Chánh Pháp, là hạng người thứ nhứt nói
trên. Tiêu Diện Ðại Sĩ với khuôn mặt dữ dằn, lè lưỡi
phun lửa máu, đầu có đội ba ngọn núi, khẩu phún xuất hỏa, đầu thượng tam
sơn, không phải là một vị, mà tượng trưng cho tất cả những người có
công giúp đỡ Chánh Pháp được sáng tỏ hơn, là hạng người thứ hai nói
trên. Bởi vậy cho nên, chúng ta luôn luôn chân thành cảm niệm ơn đức của cả hai hạng người nói trên, đã giúp đỡ chúng ta tiến tu trên mọi phương diện.Theo
kinh điển nhà Phật, sống ở trên cõi đời này, người nào cũng thọ nhận
bốn thứ ơn lớn, lúc nào cũng phải nên biết lo đền đáp, bằng sự cung
kính, cúng dường và phụng sự. Bốn thứ ơn lớn, cũng gọi là tứ trọng ân,
đó là:
1. Ơn cha mẹ 2. Ơn chúng sanh 3. Ơn quốc gia 4. Ơn Tam Bảo.
*1. Cha mẹ sanh
thành dưỡng dục rất khổ công, cực nhọc, trong nhiều năm tháng dài, chúng
ta mới có được như ngày nay. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp
ơn cha mẹ, bằng sự cung kính, phụng dưỡng vật chất cũng như tinh thần,
nhưng quan trọng hơn cả, chính là giúp đỡ cha mẹ hiểu biết Chánh Pháp,
sớm ngộ Chánh Ðạo, vĩnh viễn thoát ly phiền não khổ đau, sống đời an lạc
hạnh phúc. Chỉ vì bênh vực vợ con, bênh vực chồng con, hoặc chỉ vì một
lời khiển trách, một sự bất như ý, chẳng hạn như cha mẹ chia của cải
không đồng đều như ý muốn, nhiều người trên thế gian này phủi sạch tất
cả những ân nghĩa của cha mẹ từ xưa đến nay, từ cha bỏ mẹ, không nuôi
không dưỡng, không thèm săn sóc, không hề thăm viếng, không muốn nhìn
nhận, đôi khi còn trở mặt oán thù, thậm chí sát hại, tranh giành tài
sản! Ðó là trọng tội hàng đầu trong ngũ nghịch tội.
*2. Chúng ta đang
sống trong xã hội, tức là có vô số chúng sanh sống chung quanh, giúp đỡ
chúng ta đủ mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần. Chẳng hạn như
nhờ người nông dân chúng ta có cơm ăn, nhờ người công nhân chúng ta có
áo mặc, có xe đi, có đồ dùng, có nhà ở. Chẳng hạn như nhờ người thầy
thuốc, y tá, sức khỏe chúng ta được chăm sóc, nhờ người thầy giáo, kiến
thức chúng ta được mở mang, trí tuệ sáng suốt. Ðó là chưa kể trâu bò cày
ruộng, con ngựa kéo xe, con chó giữ nhà, lạc đà vận chuyển. Người biết
tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn xã hội, bằng sự siêng năng làm việc,
giúp người giúp đời, làm tất cả mọi sự mọi việc ích lợi cho mọi người,
không phung phí thực phẩm, sản phẩm, của cải, vật dụng, dù do chính mình
bỏ tiền ra mua. Tại sao vậy? Bởi vì, đó là công lao của xã hội, và
nhiều người khác đang thiếu thốn, nhiều chúng sanh khác đang cần những
thứ đó, dùng không hết thì đem cho, không nên phí của!
*3. Chúng ta sống
trong một quốc gia thái bình thạnh trị, có nhiều phúc lợi xã hội, cơm no
áo ấm, sung túc tiện nghi, an cư lạc nghiệp. Người biết tu tâm dưỡng
tánh, phải báo đáp ơn quốc gia, bằng sự cố gắng làm một người dân lương
thiện, làm người có lương tâm chức nghiệp, góp phần xây dựng đất nước,
không phá rối trật tự trị an của xã hội, không gây đau khổ cho những
người khác sống chung quanh, không làm những chuyện lợi mình hại người,
không lợi dụng kẽ hở của luật pháp để hại người, kiếm tiền bạc triệu,
sống cho sung sướng, không viết thư rơi, không đâm bị thóc, không chọc
bị gạo, không tạo tranh chấp, không gây oán thù. Mình muốn sống đời an
lạc hạnh phúc, nên giúp đỡ người khác cũng sống an lạc hạnh phúc như
mình. Nhờ đó tâm trí được thanh tịnh, sống được an vui, thác về cõi
lành, cực lạc thiên đàng, khỏi sợ địa ngục, không cần chúc tụng, ở trên
mặt báo!
*4. Sau hết trên
hết, những người trải đời, dù già hay trẻ, thấy được vô thường, hiểu
biết nhân quả, tội nghiệp phước báu, có được chánh kiến, hành bát chánh
đạo, do ơn Tam Bảo, chỉ dạy thực rành, giúp đỡ chúng sanh, thoát ly sanh
tử, luân hồi nghiệp báo, tránh khỏi khổ đau, hãy mau thức tỉnh, tu tâm
dưỡng tánh, đừng đợi đến ngày, nhắm mắt xuôi tay, chẳng may phải đọa,
vào ba đường ác, địa ngục ngạ quỉ, hoặc là súc sanh, không ai cứu được,
dù có niệm Phật, cho đủ mười tiếng, hoặc mười ngàn tiếng, cũng vậy mà
thôi, đã quá muộn rồi! Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải báo đáp ơn Tam
Bảo, bằng sự tinh tấn tu tập, cung kính cúng dường, bằng cách dừng
nghiệp và chuyển nghiệp, chấm dứt tạo tội tạo nghiệp, bằng cách giúp đỡ
người khác tu tâm dưỡng tánh, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.

Có một đàn bò đang đi trên đường vào
lò sát sinh để bị giết làm thịt. Những con bò đó vẫn báng nhau, húc
nhau, chen nhau, lấn nhau, nghinh nhau, nghịch nhau. Chúng không biết
rồi đây, chỉ trong phút giây, cuộc đời của chúng sẽ bị kết thúc thê thảm
biết là dường nào. Chúng không biết gì cả, chỉ biết đấu tranh, giành
giựt, hơn thua, cho đến giây phút cuối cùng của mạng sống. Người đời
thường nói: đồ ngu như bò! Tuy nhiên người đời có thông minh hơn chăng?
Thử xét cõi đời được bao năm, mà con người vẫn sống trong cơn mê: bon
chen, đấu tranh, giành giựt, chèn ép, chà đạp, chửi bới, thưa gửi, kiện
tụng, đụng độ, hơn thua nhau từng lời nói, ghìm nhau từng cử chỉ, thù
oán nhau từng hành động, chấp chặt từng chuyện làm ơn nhỏ nhặt, chất
chứa từng chuyện thù oán lặt vặt, đến chuyện hận thù không đội trời
chung. Con người thường có tâm chấp ngã, cho nên ích kỷ, chỉ muốn chính
mình, gia đình mình, bà con mình, giòng họ mình, tổ chức mình, dân tộc
mình, bất cứ cái gì dính tới mình, đều đứng hạng nhứt! Ngoài ra thì mặc
kệ, sống chết mặc bây, tụi này sung sướng, như vậy đủ rồi! Thực là hởi
ôi, cõi đời nổi trôi, vô cùng vô tận!
Tóm lại, chuyện ân
oán là chuyện dài của con người, của cõi đời phiền não khổ đau, nói mãi
không bao giờ cùng. Cho dù suốt đời, chúng ta luôn luôn, làm chuyện ân
nghĩa, cho bất cứ ai, nhưng nếu chỉ cần, một lần mà thôi, từ chối giúp
người, lập tức chúng ta, gặp ngay oán thù! Người đời phủi sạch tất cả
những gì tốt đẹp người khác đã làm cho họ, trong suốt một khoảng thời
gian dài, chỉ ghi nhớ một việc bất như ý sau cùng mà thôi, xong rồi dứt
đẹp! Trên cõi đời này, chữ “Ân” ít gặp, chữ “Oán” khắp
nơi. Chính vì những quan niệm như vậy, cho nên con người luôn luôn lăn
lộn trong sanh tử luân hồi, trong phiền não khổ đau, vay trả trả vay,
triền miên suốt đời, không bao giờ dứt. Trong kinh sách, Chư Tổ có dạy:
Tác hữu nghĩa sự. Thị tỉnh ngộ tâm. Tác vô nghĩa sự. Thị cuồng loạn tâm. Cuồng loạn tùy tình niệm. Lâm chung bị nghiệp khiên.
Tỉnh ngộ bất do tình. Lâm chung năng chuyển nghiệp
Tỉnh ngộ bất do tình. Lâm chung năng chuyển nghiệp
Nghĩa là: Làm việc có nghĩa, đem lại
an lạc hạnh phúc, cho mình và cho người. Là tâm tỉnh ngộ. Làm việc vô
nghĩa, đem lại phiền não khổ đau, lợi mình hại người. Là tâm cuồng loạn.
Cuồng loạn theo tình niệm: thương ghét ân oán. Lâm chung bị nghiệp lôi.
Tỉnh ngộ không theo tình, tâm bình tĩnh thản nhiên. Lâm chung chuyển
được nghiệp.ٱ
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Thanh Vân(st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét