Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Cha và Con Gái
























Cha và Con Gái



Bố ốm. Mẹ gọi điện bảo ba chị em phải về ngay. Hà tức tốc sắp xếp đồ đạc, xin phép cơ quan để trở về nhà. Trong lòng Hà trăm nỗi lo lắng, ngổn ngang. Bố là người có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, cũng như cách sống của Hà. Bố giống như một tượng đài vững chắc cho Hà dựa vào, Hà chưa thể nào hình dung được mình sẽ ra sao khi một ngày nào đó tượng đài ấy không còn đứng vững nữa.

Hà sinh ra trong một vùng quê nghèo, Bố là bộ đội xuất ngũ, suốt những năm tháng thời trai trẻ, Bố Hà đã đặt chân tới tất cả các vùng miền, từ Bắc vào Nam, rồi sang các nước bạn Lào, Campuchia…Sau tất cả những năm tháng ấy, kỷ niệm còn lại thì nhiều, nhưng rõ ràng nhất vẫn là những mảnh đạn vẫn còn nằm sâu trong da thịt của Bố. Nhớ ngày còn bé, lần đầu tiên, Hà cứ tròn mắt ngắm nghía những cái u tròn, trồi lên trên da thịt của Bố như lạ lẫm lắm. Mà lạ lẫm thật, cả làng Hà hồi ấy chỉ có Bố Hà là có sự khác lạ như vậy. Nắng, gió, những nhọc nhằn, thiếu thốn và những trận sốt rét khiến Bố Hà cứ rụng dần tóc đi, và nó chẳng chịu mọc lại nữa. Người ta gọi Bố Hà là ông Hoan hói. Nhưng trên hết, Bố luôn là tấm gương mẫu mực trong suy nghĩ của Hà. Một người chồng thương yêu và chung thủy với vợ, một người Bố yêu thương và hết lòng vì các con, một người đàn ông đầy trách nhiệm với gia đình.
Mẹ Hà thì đúng là một người nông dân chính hiệu. Càng lớn lên, càng được đi học và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, Hà càng nhận ra Mẹ mới hiền, mộc mạc và đơn giản làm sao. Có lẽ chính vì thế mà Bố yêu Mẹ và quyết định nên duyên với Mẹ. Cuộc sống của Bố Mẹ là niềm mơ ước của nhiều người, trong đó có cả chị em Hà. Một gia đình nhỏ, luôn đầy ắp tiếng cười, dù cuộc sống có khó khăn không như lòng người mong đợi.
Hà còn nhớ, ngày Hà đi thi Đại học. Bố đưa Hà đi thi, lên ở nhờ nhà một người quen của Bố. Nhà Bác ấy cách nơi Hà thi khoảng 5 km. Thế là hàng ngày, Bố dậy thật sớm, gọi con gái dậy, mượn của Bác ấy chiếc xe đạp và chở con gái đến trường. Hà ngồi sau Bố, chiếc xe thì cứ kêu kẽo kẹt, lưng Bố thì càng còng xuống, Hà chỉ biết nghẹn ngào. Hà đưa tay ôm lưng Bố, khẽ rướn người lên hỏi Bố:
- Bố ơi con có nặng lắm không? Nếu Bố mệt thì Bố con mình xuống đi bộ nhé.
- Bố cô chứ, ngày xưa Bố còn vác cả trăm kí lô trên vai còn chả mệt, chở con gái đi thi thì có gì mà mệt chứ. Bố sẽ không sao cả, con yên tâm, chỉ cần con khỏe và thi tốt là Bố vui rồi.
Hà cười trong veo đáp lời Bố:
- Bố cố lên, con sẽ thi đậu, sau này về làm kỹ sư nông nghiệp phụ Bố.
Bố chỉ cười, và bảo:
- Con đậu là Bố tự hào lắm rồi, cả đời Bố Mẹ chỉ trông chờ vào các con thôi. Các con là tương lai của Bố Mẹ đấy.
Nhưng … Hà đã không đậu năm đó. Hà không đủ can đảm để nhìn vào mắt Bố, không thể nói lên những lời làm Bố buồn. Hà thất vọng vì cuối cùng đã không thể là niềm tự hào của Bố. Nhưng Bố thì luôn là Bố, và vì Bố là Bố nên chẳng có gì Hà có thể giấu được Bố cả. Thấy Hà ngồi thơ thẩn bên bờ ao, khuôn mặt buồn so, Bố khẽ ngồi xuống hỏi nhỏ:
- Con có chuyện gì muốn kể cho Bố nghe phải không?
Hà ngước lên nhìn Bố, mắt ngân ngấn nước. Vừa cúi xuống, vừa lí nhí trả lời:
- Con thi trượt rồi Bố ạ. Con sợ lắm, con cũng không hiểu vì sao nữa.
- Vì vậy mà con ra đây ngồi một mình, không định nói cho ai biết, kể cả Bố sao?
Bố quay sang nhìn Hà, rồi lại nói tiếp:
- Thi trượt, không có nghĩa là con sẽ không được thi nữa, hoặc không bao giờ thi đậu. Hãy dành thời gian, xem xem con cần phải bổ sung thêm những gì. Đừng dành thời gian để nghĩ về việc mà mình cũng không thể chắc chắn. Bố thì vẫn tin ở con.
Hà nhìn Bố, không còn sự rụt rè nữa, mà cái nhìn hàm chứa sự biết ơn sâu sắc. Bố là vậy, luôn thấu hiểu và ở bên Hà, giúp Hà vững vàng trước những khó khăn thử thách.
Bố đứng lên, mỉm cười vỗ vai Hà như một người bạn:
- Chút vào ăn món giả cầy nhé, Bố nấu.
Hà nhìn theo dáng Bố đi vào, ở cái làng này, Bố cũng như những người lao động bình thường khác, nhưng sao trong mắt Hà, Bố lại đẹp đẽ và thanh cao đến như vậy. Hà chỉ mong, sau này, khi Hà đến tuổi phải lấy chồng, Hà có thể lấy được một người đàn ông có những đức tính giống như Bố. Nhưng chắc là khó.
Năm sau Hà quyết tâm ôn thi lại đại học, quyết không để phụ lòng mong mỏi của Bố nữa. Hà muốn nhìn thấy ánh mắt cười của Bố. Và cuối cùng Hà đã làm được, nhận được giấy báo đỗ đại học, Hà đã nhảy lên vì sung sướng, chỉ một phần là cho bản thân thôi. Phần lớn là vì Bố. Bố đã có thể tự hào khoe với hàng xóm và bạn bè: “Con gái tôi đỗ rồi”. Hà cảm nhận được phần nào niềm vui ấy.
Hà nhớ có một lần, 4 Bố con ngồi ngoài sân tâm sự, lâu lắm rồi mới có buổi tâm sự như thế. Hà và em thứ 2 thì đi học xa, chỉ còn em út ở bên cạnh Bố Mẹ. Cuộc sống thì không khá hơn, đồng lương của Bố thì ít ỏi, Bố Mẹ ngày càng già, tiền học cho 3 chị em giường như quá sức đối với hai đôi vai đã trở nên già đi theo năm tháng ấy. Những bữa cơm trở nên ít thức ăn hơn, em út bảo:
- Em chỉ mong anh chị về. Vì chỉ khi anh chị về Bố Mẹ mới mua thức ăn ngon.
Hà nhìn em chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Bố hỏi ba chị em:
- Các con có khi nào thấy khó chịu, thấy xấu hổ khi sinh ra trong một gia đình nghèo như của Bố Mẹ không?
Cả ba chị em đều ngước lên nhìn Bố. Thực sự, khi đi học, nhìn bạn bè quần này áo nọ, xe đưa rước, lúc nào cũng có những đồ đạc đắt tiền. Hà thấy mình tủi thân ghê gớm. Nhưng chính có gia đình của Bố Mẹ, đã khiến Hà vượt qua được những cám dỗ nơi thành thị, để Hà vẫn là Hà. Nghèo đâu phải là cái tội chứ.
Hà nói trước:
- Bố ạ, con chưa bao giờ phải xấu hổ hay che dấu thân phận của mình cả. Con vẫn nói với các bạn: “Tớ sinh ra ở quê, Bố tớ chỉ là bộ đội về hưu, Mẹ tớ chỉ là nông dân, nhà tớ còn lụp xụp lắm”. Nhưng chính tình yêu thương của Bố Mẹ, đã giúp chúng con vững bước trên mỗi đoạn đường mình cần đi qua. Chúng con phải cảm ơn Bố Mẹ rất nhiều ấy ạ. Cảm ơn Bố Mẹ vì đã hy sinh cho chúng con.
Hà rơm rớm nước mắt, nắm chặt bàn tay Bố. Em thứ hai chạy ra sau đấm lưng cho Bố, còn em út thì sà vào lòng Bố. Cả hai đồng thanh:
- Con cũng nghĩ như chị Bố ạ.
Mắt Bố ánh lên niềm vui, xen lẫn niềm tự hào. Các con của Bố thực sự đã trưởng thành, đã biết nhận thức, và là nhận thức đúng. Không quay lưng lại với gốc gác, cội rễ của mình. Cuộc đời mỗi một người sinh con ra, chẳng ai còn mong gì nhiều hơn thế.
Ngày Hà lấy chồng, Bố có lẽ là người phấn khởi nhất. Bố chạy qua chạy lại đôn đáo không biết mệt. Cũng phải, con gái rượu của Bố mà. Bố đã rất hi vọng vào một cuộc hôn nhân đầu bạc răng long, vào một người con rể sẽ thương yêu con gái Bố như Bố. Nhưng, một lần nữa Hà lại trở về và tựa vào vai Bố. Một lần nữa, Bố lại giang đôi vai rộng ra để hứng chịu những thị phi, những bàn tán xôn xao. Bố bảo:
- Con hãy nghỉ ngơi đi, và khi trở lại, hãy trở lại một cách mạnh mẽ nhé.
Và Hà đã trở lại thực sự. Một sự trở lại đầy mạnh mẽ, Hà trở nên xinh đẹp và cuốn hút hơn, lại hăng say làm việc hơn. Tất cả đều là nhờ có Bố.
Cơn gió mạnh tạt qua làm Hà như sực tỉnh, nãy giờ mãi suy nghĩ, Hà cũng chẳng thèm để ý đến xung quanh. Hà giật mình khi thấy mình đang tựa đầu vào vai một người đàn ông bên cạnh, Hà lúng túng, rối rít xin lỗi:
- Xin lỗi anh, tôi không để ý. Làm phiền anh quá.
Người đàn ông với gương mặt thanh tú, ánh mắt cương nghị nhưng đầy thiện cảm nhìn Hà trả lời:
- Không sao đâu. Nhưng mà, em không nhận ta tôi sao?
Hà lấy tay dụi dụi vào mắt, như chưa thể tin vào tai mình, thế nào mà mình lại quen anh ấy được chứ. Nhìn mãi vẫn không ra là đã gặp ở đâu, Hà đành e thẹn trả lời:
- Xin lỗi, thực sự là em không nhớ ra. Anh lạ lắm.
Người đàn ông, quay sang nhìn Hà, vẫn ánh mắt ấy, đầy tự tin, trả lời Hà:
- Em con nhà Bác Hoan, em tên là Hà. Bố anh với Bác Hoan là bạn chiến đấu cũ. Rất thân nhau. Bố em đã đưa em ra nhà tôi chơi 2 lần rồi, tôi còn nhớ rất rõ. Một lần hồi còn nhỏ không nói làm gì, một lần đi thi Đại học, chẳng lẽ em cũng đã quên rồi ư?
Hà nghe đến đây giường như đã nhớ ra phần nào, miệng khẽ kêu lên một tiếng “Á” nhỏ rồi quay sang, khuôn mặt sáng bừng khi chợt nhận ra một người thân quen mà lâu rồi không gặp:
- Anh Hoàng à, trời ơi, lâu quá rồi. Em cũng không ngờ đấy. Mà sao anh lại đi chuyến xe này?
Người đàn ông tên Hoàng quay sang nhìn Hà từ đầu đến chân rồi nói:
- Em khác lắm đấy nhé, xinh ra nhiều. Bố anh nghe tin Bố em bị bệnh nặng, nên cho anh về thăm. Dạo này Bố anh cũng già rồi. Không đi lại được nhiều nữa em ạ.
- Thế ạ. – Hà trầm ngâm – Hôm nào em phải tranh thủ nên thăm hai Bác một chuyến mới được. Đi một đoạn nữa là đến nhà em rồi đấy anh ạ. Mình chuẩn bị đồ đi kẻo chút nữa quên.
Hai người xuống xe, đi một đoạn nữa là đến nhà Hà. Căn nhà có chiếc cổng màu xanh với giàn hoa thiên lý thơm lừng, chẳng lẫn vào đâu được. Đợt nào về, Hà cũng phải dừng lại vài phút để hít hà mùi thiên lý. Nhưng hôm nay thì chẳng còn tâm trạng nào nữa. Hà chạy thẳng vào chỗ Bố đang nằm, chỉ kịp chào Mẹ:
- Mẹ ơi, con đã về, Bố thế nào rồi Mẹ?
Mẹ đứng lên nhường chỗ cho Hà, khẽ lấy tay quệt ngang giòng nước mắt:
- Mấy ngày nay Bố không ăn được gì, đang phải chuyền nước con ạ. Các em con nói chiều mới về đến nơi. Mà…anh này là…? – Mẹ Hà nhìn Hoàng khẽ hỏi.
- Mẹ ơi anh ấy là Hoàng, con nhà bác Dậu bạn chiến đấu cũ của Bố đấy Mẹ ạ. May sao con và anh ấy lại đi cùng xe với nhau nên con đưa anh ấy về luôn.
Mẹ Hà quay sang cố gắng mỉm cười chào Hoàng:
- Cháu đấy à, cháu đi đường xa mệt lắm không? Ra ngoài ngồi nghỉ chút cho khỏe đã nhé. Bố Mẹ cháu dạo này thế nào?
- Cháu chào Bác, nãy giờ cháu không giám cắt ngang câu chuyện nên giờ mới chào Bác. Bố cháu nghe tin Bác trai bệnh nặng nên cho cháu vào thăm, Bố Mẹ cháu vẫn khỏe nhưng không đi được tàu xe nữa Bác ạ. Bố cháu rất mong hai Bác thông cảm.
Mẹ Hà khẽ nắm bàn tay Hoàng, trả lời:
- Cháu vào là mừng lắm rồi. Đừng nói mấy chuyện thông cảm nữa nhé. Ngồi đi cháu.
- Cháu cảm ơn Bác.
Hoàng ngồi xuống ghế, khẽ ngả lưng ra sau thư giãn sau một quãng đường dài. Thi thoảng lại nhìn qua phía Hà đang thủ thỉ trò chuyện cùng Bố.
Hà nắm lấy bàn tay Bố, khẽ trò chuyện:
- Bố ơi, con gái Bố đã về rồi. Bố có muốn mở mắt ra nhìn con một chút không? Con dạo này xinh ra rồi nhé, mập hơn nữa, con phải tập thể dục buổi sáng để giữ eo nữa đấy.
Hà dừng lại, cố kìm nén cơn xúc động của mình rồi lại tiếp tục:
- Bố có biết như thế này là không thể được không, Bố luôn bảo chúng con trong bất kỳ trường hợp nào thì cũng luôn phải mạnh mẽ. Thế mà giờ mới ốm có chút xíu Bố đã không chịu ăn để phải chuyền nước rồi. Bố đã làm cho mình trở nên tiều tụy lắm rồi đấy. Đây này – Hà chỉ chỉ vào những đốt ngón tay và nói – Bố tỉnh dậy và nhìn bàn tay của Bố xem. Các ngón tay chẳng còn chút thịt nào cả, chỉ còn da bọc lấy những khúc xương nối lại với nhau thôi. Sao Bố có thể như vậy được chứ? Bố không thể tỉnh dậy sao? Bố mà có mệnh hệ gì thì con biết sống tiếp ra sao đây? Cả nhà mình sẽ như thế nào đây hả Bố?
Hà cúi xuống, khẽ áp má mình vào bàn tay Bố đặt ở trên giường, cố gắng cảm nhận chút hơi ấm còn lại, cũng là truyền thêm cho Bố sức mạnh để Bố vượt qua. Hà cảm thấy giường như bàn tay Bố cựa quậy và chạm vào má Hà. Theo quán tính Hà ngồi thẳng dậy và nhìn Bố. Bố đang nhìn Hà, đôi mắt của mấy ngày không ăn như khô lại và trũng xuống. Nhưng dù thế nào thì Bố vẫn đang nhìn Hà, sự thật ấy khiến Hà quá đỗi sung sướng, Bố khẽ thì thào hỏi Hà:
- Hà về rồi đấy à con.
Niềm sung sướng quá đỗi bất ngờ khiến Hà trở nên luống cuống, Hà lấy tay quệt nước mắt, khẽ cúi sát vào tai Bố nói nhỏ:
- Con về rồi đây, Bố tỉnh rồi ư? Bố làm con lo lắng qúa. Bố đói chưa, Bố có muốn ăn gì không ạ?
Đáp lại cả tràng dài hỏi han của Hà, Bố chỉ mỉm cười. Chắc Bố muốn nói nhiều lắm mà không thể, nhìn mắt Bố là Hà hiểu mà. Bỗng dưng Hà thấy trong lòng bất an. Không hiểu vì sao nữa.
Đến chiều thì hai em của Hà cũng về đến nơi, cậu nào về cũng sà vào trò chuyện với Bố. Ai cũng cảm thấy yên tâm khi thấy Bố đã tỉnh, mỉm cười và bắt đầu muốn ăn trở lại như vậy.
Chơi hết ngày hôm sau, Hoàng, Hà và các em dự định sáng mai ăn sáng xong sẽ tạm biệt Bố Mẹ để trở lại trường và nơi làm việc. Hà và Mẹ chuẩn bị bữa sáng và đưa vào cho Bố. Hà đặt khay đồ ăn lên mặt bàn, khẽ lay Bố dậy. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng, như có điều gì đó không ổn. Bàn tay Bố lạnh ngắt. Hà ú ớ gọi Mẹ và các em:
- Cả nhà ơi, vào đây đi, Bố làm sao rồi ý.
Hà cố gắng lay gọi Bố dậy, sự lo lắng hằn rõ lên khuôn mặt. Chân tay Hà bắt đầu bủn rủn, người cứ nhũn ra và mặt trắng bệch đến nỗi cắt cũng không còn giọt máu. Mọi người đang ăn giở đều hốt hoảng chạy vào. Hoàng dìu Hà sang bên cạnh cứ như dìu một bao gạo, xiêu vẹo, dúm dó. Mẹ Hà lay gọi chồng đến khản cả cổ. Cuối cùng thì cũng đổ xuống khi không còn một chút sức lực nào. Đứa em út nước mắt ngắn nước mắt dài, miệng thì gọi “Bố ơi” nhưng vẫn phải chạy sang đỡ Mẹ. Đứa em thứ 2 chỉ còn biết gục xuống ôm lấy Bố. Quang cảnh bỗng chốc trở lên hỗn loạn, tiếng gào khóc, tiếng những bước chân chạy bình bịch dưới sân nhà, tiếng người ta hỏi han nhau, tiếng xe cộ ra vào không ngớt…
Mọi việc diễn ra quá đường đột khiến Hoàng phải đứng ra lo liệu mọi việc, từ việc phải làm những gì, cho đến việc động viên để Mẹ Hà, Hà và các em Hà cố gắng ăn uống để còn có sức khỏe chịu đựng. Hà cứ ra bờ ao ngồi như người mất hồn, lúc thì lại thảng thốt lao vào chỗ đặt linh cữu cha mà gào khóc. Nhìn cảnh đó ai cũng cảm thấy đau xót, không thể cầm lòng.
Hoàng cố gắng lo liệu mọi việc, xin nghỉ phép hẳn một tuần nữa để ở lại động viên Hà. Anh thấy mình có chút gì đó vương vấn, chút gì đó lo lắng, chút gì đó không đành lòng khi để lại Hà như vậy mà ra đi. Anh muốn mình được là chỗ dựa cho Hà, một bờ vai, một tượng đài như Hà vẫn hay nói. Hoàng muốn được mãi nhìn thấy nụ cười sáng bừng của cô ấy.
Qua một tuần nữa thì Hà cũng phải trở lại chỗ làm. Một tuần, không đủ để hiểu một con người, nhưng phần nào Hà cảm nhận được những tình cảm ấm áp, những quan tâm lo lắng của Hoàng dành cho mình. Hà quì xuống trước bàn thờ Bố, khẽ nói lời cảm ơn Bố, nhờ Bố mà Hà có thể gặp được anh ấy, một người có thể có khả năng thay thế được “tượng đài” Bố đã xây lên.
Hà và Hoàng chào tạm biệt Mẹ và hai em lên xe, Hà bịn rịn nắm bàn tay Mẹ:
- Mẹ phải hứa với con là Mẹ không được buồn nhiều nhé, phải cố gắng ăn uống đều đặn nhé. Nếu không thì chúng con không thể nào yên tâm đâu Mẹ ạ.
Mẹ Hà nhìn Hà dịu dàng nói:
- Con cứ yên tâm đi đi. Mẹ sẽ ở nhà tự chăm sóc bản thân và chờ các con về. Các con cũng phải giữ gìn sức khỏe nhé. Còn làm việc nữa đấy. Đi đi con, đừng để người ta chờ lâu.
Hà quay mặt chạy lên xe, cố giấu đi hai hàng nước mắt. Hà thấy mệt mỏi, lại phải đi một quãng đường dài. Hà nhắm mắt, cố dỗ mình vào giấc ngủ. Một giấc ngủ không dài, nhưng đủ để gác lại những chuyện buồn, và đón nhận những niềm vui đang chờ ở phía trước.
Hà mơ hồ thấy như có ai đó đỡ lấy đầu mình, và tựa vào một cái gì đó rất êm ái. Cảm giác thật dễ chịu, thật vững chãi, cảm giác này quen quen…Hà khẽ nhoẻn miệng cười, tự nói với lòng mình: “hình như mình đã tìm thấy “tượng đài” giống Bố”...Cảm ơn Bố rất nhiều.


© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SàiGòn ngày 23.11.2011.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét